Nguồn gốc, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11
Lượt xem:
Kinhtedothi – Ngày 9/11/1946 – bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà được ban hành. Chính vì vậy mà ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau gọi tắt là Ngày Pháp luật).
Ở nước ta, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp 1946, đất nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, ngày 9/11, ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 được tổ chức vào tối ngày 6/11.
Năm 2022 là năm thứ 10 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Nhằm khẳng định, làm sâu sắc thêm mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam và vai trò của pháp luật với đời sống xã hội.
Ngày Pháp luật Việt Nam là ngày 9/11 hằng năm, được quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người, qua đó xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội.
Ngày Pháp luật Việt Nam là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; định hướng triển khai trong thời gian tới; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa giáo dục, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, một xã hội Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thông điệp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới và xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, cán bộ công chức trong thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước là vô cùng cần thiết.