CÂU CHUYỆN NHỎ SÁNG NAY

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sau giờ làm việc, đang chuẩn bị lên xe về nghỉ trưa, bỗng tôi nghe tiếng một thanh niên:
– Em chào cô!
– ??
– Cô có nhận ra em không?
Em cười thật tươi. Nụ cười ấy làm tôi chợt nhận ra:
– Y S… phải không em?
– Dạ.
– Nay em lớn và khác quá, suýt cô không nhận ra. Dạo này em làm gì rồi?
– Em học sửa xe xong, giờ em làm thợ rồi cô ạ.
– Ôi tuyệt quá! Vậy là có lương và giúp đỡ mẹ được rồi nhỉ. Cô chúc mừng em nhé.
– Dạ Em cảm ơn cô.
Em cười chào tạm biệt tôi. Đứng nhìn theo dáng cao gầy của em, trong lòng tôi thật xúc động. Cách đây mấy năm, em là một trong hai học sinh rất đặc biệt của trường: nóng nảy, hay đánh nhau, ngang ngạnh, không chịu học và học rất rất yếu, trốn học như cơm bữa và nguy cơ bỏ học rất cao. Hội đồng sư phạm nhiều lần phải bàn bạc tìm cách giáo dục em. Xác định em đang còn nhỏ (mới 11-12 tuổi), nếu bỏ học chắc chắn em sẽ hư hỏng và vốn chữ nghĩa ít ỏi sẽ rơi rớt hết. Vì vậy cả HDSP quyết tâm không buông tay. Cả BGH và GVCN, GVBM đã áp dụng nhiều, rất nhiều biện pháp. Cũng may bố em tuy bận bịu vì đi làm tối ngày nhưng cũng phối hợp tốt với nhà trường, quan tâm dạy dỗ em. Cô Việt – GVCN của em 2 năm, người đã thấu hiểu, ân cần uốn nắn em từng chút khiến em dần thuần hơn, chịu học hơn. Cách đây 3 năm do gia đình gặp biến cố, em phải nghỉ học đi học nghề. Và hôm nay em đã trở thành người có ích cho xã hội và gia đình, có tương lai rộng mở. Vài tháng trước, em đến thăm cô Việt. Khi bắt tay em đã hôn lên bàn tay cô, cám ơn cô vì nhờ cô em mới biết đọc. Quả đúng vậy, hồi ấy cứ cô Việt đến ngồi bên chỉ cho em đánh vần là em quay đi, cô T nhắc em học là em nổi cáu lấy sỏi ném về phía cô T… Mùa cà nối mùa tiêu rồi mùa điều mà mùa nào em cũng nghỉ… Nếu thầy cô buông xuôi và nếu bố em thờ ơ thiếu trách nhiệm như một số PHHS khác thì em đâu có ngày hôm nay.
Câu chuyện về em làm chúng tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc vô cùng. May mắn vì chũng tôi đã không bỏ cuộc trong việc giáo dục em, đến khi rời ghế nhà trường em đã đủ lớn để đi học nghề nên không bị hư hỏng. Hạnh phúc vì những cố gắng nỗ lực của mình đã có kết quả tốt đẹp, giờ đây em biết đọc biết viết, có nghề nghiệp ổn định. Hạnh phúc còn vì em ấy đã hiểu được tấm lòng của thầy cô không tiếc công sức chỉ mong sao học trò của mình nên người. Nghe em nói lời cám ơn, lời chào với thái độ lễ phép đầy tôn trọng là bao nỗi vất vả của nhà giáo chúng tôi như tiêu tan hết.
Giữ được một trẻ em trên ghế nhà trường đến khi các em có đủ nhận thức để vào đời là giảm một nỗi lo cho gia đình và xã hội. Vậy nên rất cần có sự phối hợp của cha mẹ cùng người thân học sinh, sự chung tay của ban tự quản, mặt trận, đoàn thể các buôn cùng với nhà trường vận động sao cho tất cả trẻ em đều đến trường. Như vậy mới giúp cho buôn làng ngày càng yên vui.
                                                                                                                                               Tác giả: Thanh Hà